Cúng tạ đất đầu năm là một lễ nghi truyền thống của người Việt Nam từ ngàn xưa. Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa cũng như cách thực hiện lễ tạ đất đầu năm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách sắm lễ cúng đất đầu năm và bài văn khấn cúng tạ đất chuẩn và chi tiết nhất nhé!
Ý nghĩa phong tục cúng đất đầu năm của người Việt
Cúng đất đầu năm là một phong tục tập quán của người Việt ta được thực hiện vào mỗi dịp đầu xuân năm mới. Theo quan niệm từ xa xưa của cha ông ta, mỗi mảnh đất nơi mà bạn sinh sống đều sẽ có một vị thần trông coi cai quản, gọi là Thổ Công. Khi làm bất cứ việc gì đụng chạm đến đất đai, mỗi gia đình đều phải làm lễ cúng Thổ Công (hay còn gọi là cúng tạ đất, lễ tạ đất đai, cúng Thổ Công) để giúp cho quá trình xây dựng được suôn sẻ cũng như việc làm ăn trên mảnh đất này được thuận lợi, may mắn.
Lễ cúng đất đầu năm mang nhiều ý nghĩa quan trọng, đó là:
Cảm tạ chư vị thần linh và tổ tiên
Mục đích của cúng đất đầu năm là để tạ ơn các vị thần linh trong năm qua đã trông coi đất đai nơi mình ở. Đồng thời cầu mong sang năm mới các vị thần linh vẫn phù hộ độ trì cho gia đình ấm êm, thuận hòa, công việc làm ăn được thuận buồm xuôi gió.
Ngoài ra, nghi lễ này cũng để tưởng nhớ đến công ơn ông bà tổ tiên trong năm qua đã phù hộ cho gia đình và mong rằng qua năm mới vẫn dõi theo phù hộ cho con cháu. Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của tục cúng tạ đất đầu năm, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Giúp xua đuổi tà ma và những điều không tốt
Một trong những ý nghĩa quan trọng của tục cúng đất đai là mong muốn được thần Thổ Địa hiển linh giúp xua đuổi tà ma và những điều không tốt, làm cho chúng sợ hãi không đến quấy nhiễu gia đình trong năm tới.
Ngoài ra, khi cúng đất đai, người ta thường chuẩn bị thêm mâm cúng chúng sinh để an ủi những vong hồn không được siêu thoát đồng thời tiễn vong hồn đi tránh trường hợp này ở lại quấy nhiễu, để gia đình sinh sống làm ăn yên ổn.
Cầu mong năm mới sẽ nhận được nhiều điều tốt đẹp
Cúng đất đầu năm với mong ước gia đình nhận được những điều tốt đẹp trong năm tới. Gia chủ cầu cho năm tới mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, gia đình nhiều sức khỏe không ốm đau bệnh tật, công việc làm ăn thuận lợi, biến nguy thành an.
Cúng tạ đất đầu năm vào ngày nào?
Hàng năm mỗi dịp Tết đến xuân về, các gia đình Việt Nam đều chuẩn bị lễ cúng tạ đất. Nên làm lễ tạ đất đầu năm vào ngày nào đẹp? Đây hẳn là câu hỏi chung của nhiều người khi muốn tiến hành nghi lễ tạ đất đai. Tùy theo phong tục tập quán và văn hóa của mỗi vùng miền, bạn có thể chọn ngày tốt cúng đất đầu năm khác nhau.
Thông thường, việc cúng tạ Thổ Công đầu năm sẽ diễn ra vào ngày làm lễ hóa vàng hoặc rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu). Cũng có thể thực hiện cúng đất đầu năm vào tháng tháng 2 âm lịch. Nghi lễ này được thực hiện để cảm tạ thổ thần và cầu mong các vị thần linh phù hộ cho cả gia đình năm mới nhiều sức khỏe, mọi việc hanh thông, làm ăn thuận lợi.
Lễ vật trong lễ tạ đất đầu năm
Sắm lễ tạ đất đầu năm
Nhiều gia đình chưa có kinh nghiệm thường không biết cần chuẩn bị những lễ vật gì để làm lễ cúng đất đầu năm. Trên thực tế, sắm lễ tạ đất đầu năm không có quy định khắt khe mà có thể thay đổi tùy thuộc vào tục lệ của từng vùng miền và điều kiện tài chính của mỗi gia đình. Về cơ bản, gia chủ sẽ cần chuẩn bị các đồ lễ phổ biến như sau:
-
Phần lễ chay: Hương nhang, đèn cầy hoặc nến, oa tươi (hoa cúc, lay ơn, hoa đồng tiền,…), đĩa trầu cau, trái cây tươi, bánh kẹo, nước lọc, xôi,…
-
Phần lễ mặn: 1 con gà luộc nguyên con hoặc có thể dùng chân giò heo luộc, rượu trắng, bia, nước ngọt, chè, thuốc lá,…
-
Phần vàng mã: Phần này không bắt buộc, tùy theo khả năng của mỗi gia đình. Nếu chuẩn bị vàng mã thì cần có các vật phẩm sau: 5 con ngựa màu (đỏ, xanh, trắng, vàng, chàm tím) cùng với 5 bộ mũ, áo, hia, kèm theo ngựa là cờ lệnh, kiếm, roi. Mỗi ngựa trên lưng đặt 10 lễ tiền vàng. 1 con ngựa đỏ to hơn 5 con ngựa trên, cũng kèm theo mũ, áo, hia nhưng to hơn và cờ, roi, kiếm. Một cây vàng hoa đỏ (1000 vàng). Một đĩa đựng 50 lễ vàng tiền để dâng gia tiên.
Ngoài việc chuẩn bị bài văn khấn tạ đất thì bạn cũng có thể chuẩn bị sớ cúng đất đầu năm để phần lễ vật được hoàn thiện chu đáo nhất. Tuy nhiên, lễ vật có thể được gia giảm linh hoạt, quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính của gia chủ.
Mâm cúng đất đầu năm
Nghi lễ cúng tạ đất đầu năm là một phong tục quan trọng nên cần được chuẩn bị đầy đủ và chu đáo. Sau khi chuẩn bị các phần lễ vật xong xuôi thì cách bày mâm cúng đất đầu năm như thế nào là hợp lý?
Đầu tiên đặt món mặn vào giữa, xung quanh mâm cúng bày thêm một bát gạo, một bát muối, rượu trắng, bia, nước ngọt, trà khô, các loại bánh kẹo,… Thắp nến hoặc đèn thờ, đèn cây cho phù hợp với không gian buổi cúng. Tùy điều kiện không gian, diện tích của mỗi gia đình mà có thể tiến hành nghi lễ cúng đất đai ở ngoài trời hoặc ở trong nhà. Dù ở đâu thì quan trọng là gia chủ cũng phải thành tâm cảm tạ.
Văn khấn tạ đất đầu năm ngắn gọn
Bài cúng đất đầu năm hay văn khấn cúng đất đầu năm là yếu tố không thể thiếu được khi làm lễ tạ đất đai. Nội dung của văn cúng đất đầu năm là lời cảm tạ của gia chủ đến Thổ Công đã vất vả trông giữ đất đai trong năm qua. Đồng thời cầu mong thổ thần tiếp tục trông coi đất đai, ngăn không cho những kẻ xấu xâm nhập gây hại và phù hộ độ trì cho cả gia đình mọi chuyện được hanh thông, thuận lợi.
Dưới đây là mẫu văn khấn tạ đất đầu năm chính xác nhất, gia chủ có thể tham khảo sử dụng để có được buổi lễ cúng trọn vẹn:
“Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Con kính lạy:
Quan đương xứ thổ địa chính thần.
Thổ địa Ngũ phương Long mạch Tôn thần.
Hôm nay là ngày……tháng……năm……., nhằm tiết ……………………………….
Chúng con là:……………………………………………………………………………
Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc lễ tạ thần linh Thổ Địa.
Gia đình chúng con nhờ có duyên lành mà đến an cư lạc nghiệp nơi này. Đội ơn thần linh Thổ địa che chở, ban ân, đất này được phong thủy yên lành, khí sung, mạch vượng, bốn mùa không hạn ách tai bay, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Trong ngoài ấm êm, toàn gia mạnh khỏe. Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng tôn kính. Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức.
Cung kính nghĩ rằng thần linh Thổ địa sẽ tùy duyên ứng biến phù hộ cho gia đình chúng con được an cư, đạt được những điều mong ước, cho nhà cao cửa rộng, cho tăng tài tiến lộc, cho nhân vật hưng long.
Âm dữ dương đồng, dốc lòng cầu khấn, cúi xin soi tận, ý khẩn tâm thành.
Kính thỉnh Bản gia tiên tổ liệt vị chân linh đồng lai hâm hưởng.
Cẩn cáo!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!”
Cách cúng đất đầu năm
Gia chủ cần chuẩn bị đầy đủ lễ vật theo phong tục tập quán trước ngày làm lễ tạ đất đai. Sau đó bày lễ vật lên mâm cúng và đặt ở ngoài trời để bắt đầu làm lễ. Nếu gia đình ở chung cư không thể cúng ở bên ngoài thì có thể bày mâm cúng và đặt ở trong căn hộ.
Nếu gia chủ bày ngựa cúng tạ đất thì lưu ý cần phải đặt 10 lễ tiền vàng lên lưng mỗi ông ngựa. Khi mọi công đoạn đã được chuẩn bị xong xuôi, tươm tất, gia chủ tiến hành làm lễ tạ đất đầu năm theo trình tự như sau:
- Gia chủ sửa soạn chỉnh tề, ăn mặc nghiêm chỉnh chuẩn bị làm lễ
- Gia chủ thắp hương dâng lên thần linh và chắp tay vái 3 lần.
- Tiến hành đọc văn khấn tạ đất đầu năm
- Sau khi đọc văn khấn xong, gia chủ chắp tay vái 3 lần.
- Đợi đến khi hương tàn thì tiến hành hóa vàng và hạ lễ để gia đình cùng nhau thụ lộc.
Lưu ý khi cúng đất đầu năm
Cúng đất đầu năm là một nghi lễ quan trọng nên cần được chuẩn bị một cách chu đáo, kỹ càng với tấm lòng thành tâm. Khi thực hiện lễ cúng đất đai, gia chủ cần lưu ý một số vấn đề sau để mọi việc được suôn sẻ, tránh những sai sót không đáng có:
- Chuẩn bị lễ vật tạ đất đầu năm đầy đủ trước ngày cúng. Trước khi cúng 1 ngày nên kiểm tra lại đồ lễ, nếu lễ vật nào bị hỏng thì phải mua đồ khác thay thế ngay.
- Không nên sát sinh trong dịp lễ cúng đất đầu năm.
- Trước khi làm lễ, gia chủ cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề. Trong quá trình thực hiện nghi lễ phải luôn giữ thái độ nghiêm túc, thành kính.
- Bài văn khấn dù được chép ra giấy hay đọc trong điện thoại thì cũng không nên để ở dưới đất. Tốt nhất nên chuẩn bị một chiếc kệ để đặt văn khấn hoặc điện thoại, vừa thoải mái khi đọc lại vừa thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần linh.
- Cúng tạ đất đầu năm nên do người trong nhà thực hiện, vì như vậy thì mọi điều ước nguyện và tạ ơn của gia đình mới có thể thành hiện thực.
- Khi đọc bài cúng cần đọc to, rõ ràng với lòng thành kính. Tốc độ đọc vừa phải, tránh đọc sai.
Trên đây là những toàn bộ thông tin về nghi lễ cúng đất đầu năm. Hy vọng những kiến thức này có thể giúp ích cho gia chủ trong quá trình chuẩn bị và thực hiện lễ cúng tạ đất đầu năm một cách thuận lợi. Đừng quên đón đọc những bài viết bổ ích về phong thủy và các vấn đề liên quan tới đất đai trên Homedy.com vào thời gian tới nhé!
Trần Dung